Việt Nam - Úc ký bản ghi nhớ hỗ trợ 1.000 lao động diện visa nông nghiệp

Ngày 28-3, Bộ Lao động - thương binh và xã hội Việt Nam và Bộ Ngoại giao và thương mại Úc đã thay mặt hai chính phủ ký bản ghi nhớ về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia Chương trình lao động nông nghiệp ở Úc.

Theo thông tin từ Bộ Lao động - thương binh và xã hội, bản ghi nhớ về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia Chương trình lao động nông nghiệp ở Úc ký kết ngày 28-3 là bản ghi nhớ đầu tiên mà phía Úc ký với các nước theo Chương trình thị thực nông nghiệp.

Trước đó, tháng 9-2021, Chính phủ Úc công bố Chương trình thị thực cho lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và lựa chọn Việt Nam trở thành 4 nước ưu tiên tham gia sớm bên cạnh Thái Lan, Indonesia, Philippines.

Chương trình thị thực nông nghiệp nhằm bù đắp thiếu hụt lao động trong ngành nông nghiệp ở Úc, đồng thời tạo cơ hội cho lao động Việt Nam tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, thu nhập.

Phía Úc dự kiến tiếp nhận khoảng 1.000 lao động nông nghiệp/năm. Mức lương cơ bản (chưa trừ chi phí sinh hoạt) là 3.200-4.000 AUD/tháng (tương đương 52,8-66 triệu đồng/tháng). Đây là mức thu nhập được đánh giá là cao so với các thị trường tiếp nhận lao động khác.

 

Tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ việc ký kết bản ghi nhớ giữa hai chính phủ về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia Chương trình lao động nông nghiệp Úc là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Bộ trưởng Dung tin tưởng bản ghi nhớ sẽ tạo khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam dễ dàng nhập cảnh tới Úc để làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

"Úc tiếp nhận lao động nước ngoài với mức lương tốt, hệ thống pháp luật rõ ràng, đảm bảo quyền lợi của người lao động nhưng yêu cầu về trình độ tay nghề, ngoại ngữ khắt khe. Việc đưa lao động đi làm việc ở Úc với các hình thức, ngành nghề khác nhau, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp là cần thiết, đáp ứng nhu cầu của nhiều người lao động", Bộ trưởng Dung cho hay.

Nguồn: https://tuoitre.vn/

Chat zalo Chat facebook Hotline: 0964 036 333